Khao khát không ngừng nghỉ là đặc trưng của con người hiện đại, chúng ta khát cầu chỉ để có nhiều hơn - và sự vô độ của chủ nghĩa tiêu dùng khiến chúng ta liên tục cảm thấy không được thỏa mãn. Chúng ta rơi vào vòng lặp không ngừng của Hiệu ứng thích nghi với khoái lạc1. Trong vòng lặp này, việc có thêm những chiếc túi hiệu đắt tiền hay đồ công nghệ mới nhất mang lại niềm vui thoáng qua nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn, khiến ta khát khao tìm kiếm những kích thích tiếp theo. Theo hai nhà tâm lý học Shane Frederick và George Loewenstein, vòng lặp này là một tình huống tiến thoái lưỡng nan, những tài sản mới dần mất đi vẻ hào nhoáng và trở thành một vật phẩm tầm thường trong cuộc sống hàng ngày.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ dạy tâm trí chúng ta cách chế ngự thể những ham muốn ấy. Một trong những phương pháp tiêu biểu của Khắc Kỷ giúp ta nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự hài lòng là hình dung tiêu cực. Thay vì bị mắc kẹt trong chuỗi chiếm hữu không ngừng nghỉ để sở hữu nhiều món đồ quý giá hơn, phương pháp này khuyến khích chúng ta trân trọng những gì chúng ta đang sở hữu, biết ơn và thỏa mãn với hiện tại.
Hình dung tiêu cực là một liệu pháp thực hành có chủ đích, trong đó chúng ta tưởng tượng ra sự vắng mặt của những người và những thứ mà chúng ta thường xuyên xem nhẹ. Hãy tưởng tượng những mối quan hệ thân thiết của bạn hay vật bạn yêu thích bất ngờ biến mất. Cảm giác khó chịu và mất mát mà hình ảnh này gợi lên chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ về giá trị và ý nghĩa mà chúng mang lại trong cuộc sống của ta. Qua lăng kính này, ta nhìn thấy một thế giới mới, được đắp xây thêm bởi lòng biết ơn và niềm trân quý với những gì ta đang có.
Phương pháp này thực sự rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần tưởng tượng sự vắng mặt của một món đồ cơ bản như chiếc xe hàng ngày của ta. Dù cho trước đó ta khao khát cho nó lên đời với một vẻ ngoài hào nhoáng hơn bao nhiêu, thì chỉ bằng việc suy nghĩ về việc chiếc xe này đột nhiên biến mất lại đem về cảm giác biết ơn sâu sắc về sự hiện diện và ích lợi của nó trong cuộc sống trong của chúng ta.
Mục tiêu của phương pháp thực hành này không phải để bạn lo lắng hơn hay trở nên tiêu cực hơn. Thay vào đó, đây là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, một cách luyện tập tinh thần để ta trân trọng hơn những điều mà ta đang có ở hiện tại, đồng thời nuôi dưỡng một tâm trí kiên cường khi phải đối mặt với những mất mát thực sự.
Hiệu ứng thích nghi với khoái lạc (Hedonic Adaptation) là quá trình trí óc thích nghi với các tác nhân tích cực hoặc tiêu cực, và dần phai nhạt cảm xúc với chúng (dù là tích cực hay tiêu cực) theo thời gian
↩