Cách bộ não người hoạt động thật hấp dẫn, phải không? Chúng ta thường bị thu hút bởi những điều thú vị và lôi cuốn, như một câu chuyện hay hoặc một cách diễn giải lạ thường. Tuy nhiên, chúng ta lại khó nhớ những chi tiết nhỏ nhặt, như một danh sách mua sắm vừa được ghi. Tại sao lại như vậy?
Hóa ra, chúng ta tạo nên những câu chuyện có nghĩa bằng các thông tin, trước cả khi nhận ra ý nghĩa của từng loại thông tin đó. Mặt khác, chúng ta không thực sự quan tâm đến những chi tiết trừu tượng. Điều này được thể hiện trên các phương tiện truyền thông, nơi những sự kiện liên quan thường phải nhường chỗ cho những câu chuyện giải trí. Ví dụ, nếu một cây cầu bất ngờ sụp đổ khi có chiếc xe đang đi qua, chúng ta có thể sẽ nghe nhiều về người tài xế xấu số hơn là về lỗi xây dựng của cây cầu. Rốt cuộc, thông tin hấp dẫn về con người thu hút nhiều độc giả hơn so với thông tin trừu tượng về cách tai nạn đã có thể được ngăn ngừa.
Chúng ta cũng yêu thích những câu chuyện kỳ lạ và thú vị. Thực tế, chúng ta có xu hướng tin vào những cách lý giải kỳ lạ hơn là lời giải thích thông thường, mặc dù lời giải thích thông thường lại có khả năng xảy ra hơn. Chẳng hạn như nếu tiêu đề: "Một người đàn ông trẻ bị đâm và thương nặng" xuất hiện trên báo Mỹ. Bạn nghĩ hung thủ có khả năng là ai: một người Mỹ trung lưu hay một người nhập cư Nga nhập khẩu trái phép dao chiến đấu? Hầu hết mọi người sẽ chọn phương án sau, mặc dù xác suất hung thủ là người Mỹ cao hơn nhiều. Đây là một lỗi tư duy phổ biến có thể gây ra thiệt hại trong nhiều lĩnh vực.
Chính vì thế, trong lĩnh vực y tế, các bác sĩ được đào tạo để chẩn đoán những bệnh lý có khả năng xảy ra nhất trước, thay vì bị cuốn hút bởi khả năng mắc một căn bệnh kỳ lạ. Họ tuân theo khẩu hiệu: "Khi bạn nghe tiếng vó ngựa, đừng mong đợi một con ngựa vằn." Ngay cả khi một con ngựa vằn sẽ thú vị hơn nhiều so với một con ngựa thông thường.