Trong xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay, việc sống buông thả quá mức đang là một hiện tượng ngày càng gia tăng. Theo Anna Lembke, bà tin rằng có 3 nguyên nhân chính yếu dẫn đến hiện tượng trên. Bà truy tìm nguồn gốc của những nguyên nhân này ở thời kỳ sơ khai của loài người, cuộc cách mạng công nghiệp, và ngay chính trong lối sống hiện nay của chúng ta.
Về cơ bản, não bộ của chúng ta đã phát triển để phù hợp và tồn tại với thời kỳ thiếu thốn. Từ việc săn bắt hái lượm thực phẩm trong tự nhiên đến việc tìm kiếm những nguồn tài nguyên khan hiếm khác, tổ tiên của chúng ta tồn tại nhờ khao khát mạnh mẽ của họ về những trải nghiệm mang lại nhiều phần thưởng quý giá. Những khao khát như vậy gửi tín hiệu đến những dây thần kinh trong não, thúc đẩy động lực để tiếp tục theo đuổi mục tiêu. Bản năng nguyên thủy này vẫn đang còn hiện diện trong chúng ta cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, bản năng sinh tồn này xung đột mạnh mẽ với thế giới công nghiệp hóa hiện nay, một thế giới thượng vàng hạ cám, nơi mà thức ăn, ma túy, và phương thức giải trí đều dư thừa. Thay vì thích nghi với điều kiện dư giả này, não của chúng ta tiếp tục hoạt động dựa trên nỗi sợ thiếu thốn, thúc đẩy chúng ta vào việc đuổi theo những niềm vui thú. Kết quả là, xã hội đang rơi vào tình trạng tiêu dùng quá mức kiểm soát.
Thêm vào đó, công nghiệp hóa khiến thời gian rảnh rỗi của chúng ta trở nên nhiều hơn. Chúng ta đã thoát khỏi thời kỳ săn bắt hái lượm, thời kỳ mà mọi thời khắc đều dành cho việc sinh tồn. Bây giờ, bao nhiêu thời gian rảnh đã được nhân lên, bấy nhiêu cơ hội cho ta tiêu tốn thời gian vào các hoạt động mang lại niềm khoái lạc, chẳng hạn như video game.
Kết quả là, những yếu tố trên đã đưa chúng ta vào một thời đại “nghiện” những thú vui tràn lan. Nhưng “nghiện” này không chỉ đơn thuần là ma túy hoặc rượu bia. Nó có thể là một sinh viên đại học “nghiện” lướt điện thoại liên tục, một người đàn ông “nghiện” cày phim khiêu dâm liên miên, hay thậm chí là chính bà Lembke - tác giả cuốn sách đã thừa nhận rằng bà ấy đã bị ám ảnh và đám chìm hoàn toàn vào những cuốn tiểu thuyết lãng mạn.
Việc dễ dàng tiếp cận với 'hàng tá thú tiêu khiển', bất kể là ma túy, thức ăn, hay công nghệ, đã tăng đáng kể nguy cơ “nghiện” của chúng ta. Ví dụ, nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng nghiện opioid là do việc kê đơn thuốc giảm đau quá nhiều. Nhưng nguồn gốc không chỉ đến từ những loại thuốc chứa các chất gây nghiện, mà còn là ở chính thức ăn chúng ta tiêu thụ được đóng gói với hàm lượng đường và chất béo cao, hay ở các thiết bị điện tử được thiết kế để giữ chân người dùng chìm đắm trong các tương tác lướt, cuộn và nhấp chuột không giới hạn.
Những yếu tố này đã và đang góp phần vào sự gia tăng tỷ lệ nghiện trên toàn cầu. Số liệu cho thấy hiện nay, 70% tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới liên quan đến các nguyên nhân như hút thuốc, béo phì, và thiếu vận động. Mọi người từ tất cả các tầng lớp xã hội, bất kể tình trạng kinh tế xã hội trong gia đình như thế nào, đều trở thành con mồi béo bở của khuynh hướng kích thích dopamine. Trong cuộc đua đuổi theo những khoái lạc, nghịch lý thay, cuối cùng chúng ta lại tự gây hại cho chính mình nhiều hơn. Từ đó tạo ra một chu kỳ nuông chiều bản thân, làm trầm trọng hơn khủng hoảng sức khỏe xã hội.