Những người có phong cách Gắn Bó Lo Âu thường khao khát sự gần gũi một cách mãnh liệt và có xu hướng cảnh giác cao độ trước bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho sự gần gũi đó. Sự ổn định về mặt tinh thần phụ thuộc vào việc mối quan hệ của họ có êm đẹp hay không. Họ luôn cảnh giác và nhạy cảm với những đe dọa dù rất nhỏ như một thay đổi trong cách nói chuyện của nửa kia.
Phong cách gắn kết này có xu hướng gợi ra "chiến lược kích hoạt" (activating strategies), đó là những thúc đẩy từ bên trong buộc họ phải lấy lại sự chú ý của nửa kia bằng bất kỳ giá nào. Điều này thường dẫn đến các "hành vi phản đối" (protest behavior), những hành động đòi hỏi sự thân mật lớn hơn như gọi điện hoặc nhắn tin liên tục.
Ví dụ, vào buổi sáng kỷ niệm ngày cưới, Annie đi làm sớm mà không để lại cho Andrew, chồng cô, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cô nhớ đến ngày đặc biệt này. Andrew cho rằng đây là một dấu hiệu đe dọa tình cảm vợ chồng. Anh bắt đầu căng thẳng và hành động phản kháng bằng cách liên tục gửi tin nhắn cho cô. Khi Annie trả lời, anh thấy yên tâm, nhưng nếu cô không hồi âm nhanh chóng, anh sẽ vẫn lo lắng và tiếp tục nhắn tin. Cuối cùng khi Annie nhìn thấy loạt tin nhắn này, cô có thể cảm thấy thất vọng và khả năng cao sẽ làm hỏng ngày kỷ niệm của cả hai.
Việc nhận diện và chấp nhận nhu cầu thân mật và được trấn an là rất quan trọng đối với những người có gắn kết lo lắng như Andrew. Thật không may, nhiều người lại đè nén nhu cầu này vì xấu hổ, dẫn đến những bất mãn cứ lặp đi lặp lại khi họ hoặc không thể diễn đạt nhu cầu của mình hoặc chấm dứt với nửa kia vì người đó không thể làm cho họ cảm thấy thỏa mãn về mặt tình cảm.
Để có một mối quan hệ trọn vẹn, những người có phong cách gắn bó lo âu nên tìm kiếm người đồng hành có đủ năng lực về mặt cảm xúc để mang lại cho họ cảm giác an toàn. Người có phong cách gắn bó an toàn và cảm thấy thoải mái với sự thân mật sẽ là sự lựa chọn lý tưởng cho người gắn bó lo âu vì người gắn bó an toàn sẽ nhận biết nhu cầu của người bất an và sẵn sàng trò chuyện để giải quyết vấn đề này.