Trong xã hội chúng ta, lượng người phải chịu đựng sang chấn tâm lý nhiều hơn nhiều so với nhận thức của cộng đồng. Hội chứng này không chỉ ảnh hưởng đến cựu chiến binh hay nạn nhân bị bạo hành mà nó có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, làm thay đổi đáng kể cuộc đời của một con người. Sang chấn tâm lý đến từ căng thẳng tột độ hoặc những cơn đau và nó khiến nạn nhân cảm thấy vô vọng hoặc choáng ngợp. Nguyên nhân của hội chứng này thường rất đa dạng có thể là từ những biến cố bất ngờ như tai nạn giao thông hay một loại trải nghiệm kinh khủng kéo dài như bị bạo hành hay trải qua chiến tranh.
Đáng buồn thay, những tội ác gây ảnh hưởng tâm lý như xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em lại đang xảy ra rất phổ biến. Chỉ riêng trong năm 2014, nhiều báo cáo cho rằng 12 triệu phụ nữ từng là nạn nhân của xâm hại tình dục tại Hoa Kỳ, hơn nửa số đó bị xâm hại khi họ dưới 15 tuổi. Hàng năm, có 3 triệu trường hợp trẻ em bị bạo hành. Những trải nghiệm này có tác động dây chuyền làm ảnh hưởng đến không chỉ nạn nhân mà cả bạn bè và gia đình họ.
Nạn nhân của tổn thương tâm lý thường mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn và dần dần là trầm cảm, lạm dụng chất cấm, và thậm chí là suốt đời chịu đựng những hồi tưởng tiêu cực, ác mộng, sự cô độc, mất ngủ, cảm giác đề phòng thái quá, và nóng giận mất kiểm soát. Tuy nhiên, không lâu trước đây, nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm sang các căn bệnh khác như trầm cảm, rối loạn tâm trạng hay tâm thần phân liệt nên việc điều trị không được hiệu quả, làm tình trạng sang chấn tâm lý kéo dài.
Xây dựng lòng tin và sự thấu hiểu với những người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn là một trở ngại lớn. Ví dụ như khi làm việc trong một nhóm trị liệu cho cựu chiến binh Mỹ từng phục vụ trong chiến tranh ở Việt Nam, tác giả nhận thấy những cựu chiến binh coi những người không trải qua sang chấn tâm lý bởi cuộc chiến là người ngoài cuộc. Ông phải mất đến nhiều tuần lắng nghe, cảm thông và xây dựng lòng tin để được họ chấp nhận. Với những người phải chịu đựng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, họ thậm chí đánh mất lòng tin vào những người thân cận nhất, khiến cho việc duy trì mối quan hệ với người bệnh là rất khó khăn. Những rào cản này là nguyên nhân đằng sau việc nạn nhân tự cô lập và thậm chí là tình trạng ly hôn.