Có một tấn kịch hấp dẫn diễn ra trong tâm trí của chúng ta, một cốt truyện như phim ảnh giữa hai nhân vật chính với những ngoắt ngoéo, kịch tính, và căng thẳng. Hai nhân vật này là Hệ thống 1 hấp tấp, tự động, thiên về trực giác và Hệ thống 2 nhiều suy nghĩ thâm trầm, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Khi đối đầu nhau, những tương tác của chúng sẽ quyết định cách chúng ta suy nghĩ, đưa ra phán xét và quyết định, và hành động.
Hệ thống 1 là phần não của chúng ta vốn hoạt động theo trực giác và đột ngột, thường không có sự kiểm soát có ý thức của chúng ta. Bạn có thể nhận ra hệ thống này hoạt động khi nghe một âm thanh rất lớn và bất ngờ. Bạn sẽ làm gì? Có lẽ bạn sẽ ngay lập tức và tự động hướng sự chú ý của mình về phía âm thanh. Đó là Hệ thống 1.
Hệ thống này là di sản của quá khứ tiến hóa của chúng ta: Có những lợi thế sinh tồn cố hữu trong việc có đủ khả năng thực hiện những hành động và phán xét nhanh chóng như vậy.
Hệ thống 2 là những gì chúng ta nghĩ đến khi hình dung phần não chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định, việc suy luận, và những niềm tin cá nhân của chúng ta. Nó xử lý các hoạt động có ý thức của tâm trí như việc tự kiềm chế, lựa chọn, và tập trung chú ý có chủ tâm hơn.
Ví dụ: hãy tưởng tượng bạn đang tìm kiếm một phụ nữ trong đám đông. Tâm trí của bạn cố tình tập trung vào nhiệm vụ này: Nó nhớ lại các đặc điểm của người đó và bất cứ điều gì có thể giúp nhận ra vị trí của cô ấy. Sự tập trung này giúp loại bỏ những phân tâm tiềm ẩn, và bạn hầu như không để ý đến những người khác trong đám đông. Nếu duy trì được sự chú ý tập trung này, bạn có thể phát hiện ra cô ấy trong vòng vài phút, trong khi nếu bạn bị phân tâm và mất tập trung, bạn sẽ khó tìm thấy cô ấy.
Như chúng ta sẽ thấy trong những đoạn ngắn sau, mối quan hệ giữa hai hệ thống này quyết định cách chúng ta hành xử.