Bạn có thể tự hỏi liệu tôi có nằm trong số những người lớn trưởng thành được nuôi dạy bởi những bậc cha mẹ chưa chín chắn về mặt cảm xúc hay không. Nhưng xin hãy lưu ý rằng ai trong chúng ta cũng có những khi hành động thiếu suy nghĩ. Vì thế, để đưa đến kết luận chính xác nhất, chúng ta cần hiểu những đặc tính tạo ra sự khác biệt rõ ràng của cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc.
Cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường có xu hướng hành xử bốc đồng hoặc không kiểm soát. Những hành vi này thường lặp lại, cho thấy những người cha người mẹ này đang gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc phức tạp. Một điều quan trọng cần lưu ý là họ thường không nhận thức được hành vi của mình tiêu cực và ảnh hưởng đến con cái của họ.
Một vấn đề lớn với cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc là họ thường chỉ biết đến bản thân. Họ quá lo lắng về giá trị bản thân đến mức khó có thể thấu hiểu cảm xúc, sở thích, và nhu cầu của con cái. Sự ích kỷ này không hẳn cho thấy họ mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissists). Có thể họ bị vây kín bởi cảm xúc chính mình tới mức họ không còn quan tâm tới cảm xúc của con cái, hoặc dựa vào con cái để được hỗ trợ tinh thần - điều tạo ra môi trường cảm xúc đầy bất ổn.
Cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường có nhu cầu bảo vệ bản thân mạnh mẽ. Họ hay phòng thủ bản thân khi lo lắng, khó có thể bình tĩnh và sợ hãi bị đánh giá tiêu cực. Họ không thể chịu đựng được sự chỉ trích, thường gạt đi những lo lắng của người khác, và phản kháng việc tự suy xét bản thân hoặc nhận lỗi. Khi có hành động làm tổn thương con cái, họ thường tránh né trách nhiệm, đòi hỏi sự tha thứ ngay lập tức và cố gắng lờ đi mà không thực sự tìm cách giải quyết vấn đề.
Hơn nữa, những người cha mẹ này thường thể hiện sự hạn chế về cảm xúc và suy nghĩ, điều này cản trở khả năng kết nối cảm xúc với con cái của họ. Thiếu hụt chiều sâu cảm xúc này thường đồng nghĩa với việc họ ưu tiên những cuộc trò chuyện lý lẽ hơn là tâm tình thân mật, khiến khả năng biểu lộ cảm xúc của đứa trẻ bị giới hạn.
Điều quan trọng cần nhận ra là những hành vi này thường vô thức, khiến cho cha mẹ thiếu trưởng thành về mặt cảm xúc khó nhìn thấy nhược điểm của chính mình. Nói chuyện với họ có thể khó khăn và mệt mỏi, đặc biệt là khi họ thường từ chối việc thừa nhận hoặc sửa chữa lỗi lầm của mình.
Vấn đề khác là những người cha mẹ này thường ưu tiên mối quan hệ đồng phụ thuộc (enmeshed relationships) hơn là sự gắn bó về mặt cảm xúc. Sự đồng phụ thuộc (enmeshment) là một hình thức của mối quan hệ mà cả hai bên đều quá lệ thuộc vào bên còn lại, dẫn đến bản sắc cá nhân trở nên mờ nhạt. Điều này có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa những người anh chị em. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy cha mẹ bạn ưu ái anh chị em của mình, khả năng cao là họ tìm thấy sự an ủi, hỗ trợ qua lại do cả hai cùng trong tình trạng sức khỏe tinh thần khuyết thiếu.
Cuối cùng, những cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường thiếu nhận thức về bản thân và các giá trị cá nhân của mình. Họ có khuynh hướng thúc ép con cái làm theo các hành vi không lành mạnh của chính mình hoặc đóng khung con cái trong các vai trò mà cha mẹ đã quy định sẵn. Bằng cách áp đặt các vai trò này, các bậc cha mẹ đơn giản hóa những mối quan hệ gia đình phức tạp, giúp họ nắm quyền kiểm soát dễ dàng hơn.