Xin gặp John và Amelia. Họ đều là những người lao động trí óc. John có bộ não thứ hai; Amelia thì không.
Một ngày điển hình của Amelia diễn ra đại khái như sau:
Amelia thức dậy và đầu óc cô tràn ngập những ý nghĩ và tư tưởng rời rạc, nhưng trước khi cô có thể theo dõi chúng, cô đã bị phân tâm bởi tiếng ping, thông báo rằng có email. Cô ấy dành cả buổi sáng để trả lời thư từ trong e-mail của mình. Không còn thời gian sắp xếp suy nghĩ của mình trước cuộc họp buổi chiều. Tệ hơn nữa, cô mất nửa buổi họp để chọn lọc các tập tin nhằm tìm cho ra những con số mà cô cần – và hoàn toàn không theo dõi được chủ đề của cuộc thảo luận. Sau giờ làm việc, cô đã kiệt sức, chỉ còn rất ít thời gian thực hiện dự án mà mình đam mê, nhưng chẳng bao lâu sau cô đã nản chí - không thể nhớ lần trước mình đã dừng ở đâu và lúc này không biết nên ưu tiên vấn đề gì. Cô đi ngủ, và chu kỳ như thế tiếp tục lặp lại vào ngày hôm sau.
Một ngày điển hình của John hơi khác một chút.
John cũng thức dậy với những suy nghĩ rời rạc – nhưng anh nhanh chóng ghi lại những ý tưởng đầy hứa hẹn vào máy tính/điện thoại thông minh của mình. Trên đường đi làm, anh nghiền ngẫm những ý tưởng được ghi lại một cách chi tiết hơn, dùng tiếng nói để ghi lại những thách thức và giải pháp tiềm năng. Khi cuộc họp buổi chiều bắt đầu, anh đã có sẵn chương trình nghị sự, cũng như thông tin bổ sung mà anh nghĩ có thể phù hợp với cuộc thảo luận. Và ý tưởng đó anh ấy đã ghi lại vào sáng nay? Bây giờ nó đã được trau chuốt để trình bày trước hội đồng. Buổi tối hôm đó, khi dành thời gian cho dự án mà mình đam mê, anh biết phải bắt đầu công việc từ đâu.
John không thông minh hơn hay có năng lực hơn Amelia. Chỉ đơn giản là anh ta có bộ não thứ hai.
Vì vậy, làm sao xây dựng được bộ não thứ hai hoạt động hiệu quả như của John? Dễ mà… ngay sau khi bạn giải được mã. Cái mã đó nằm trong C-O-D-E. Mỗi chữ cái đại diện cho một trong bốn bước để xây dựng bộ não thứ hai: Chữ C là Capture, có nghĩa là Thu nạp, Organize là Sắp xếp, Distill là Chắt lọc và Express là Vận dụng. Đoạn này và ba phần tiếp theo sẽ bàn kỹ từng bước một. Mỗi đoạn sẽ kết thúc bằng một bài tập, nhằm giúp bạn xây dựng bộ não thứ hai trong khi nghe.
Xin bắt đầu với bước đầu tiên. Thu nạp.
Chúng ta bị bao vây bởi thông tin đầu vào, cả bên ngoài – như những trích dẫn, hình ảnh, bài viết, nhận xét từ các hội nghị – và bên trong, như ký ức, ý kiến và hiểu biết sâu sắc. Hãy tận dụng những thông tin đầu vào đó. Khi gặp thông tin mà bạn muốn ghi nhớ, bạn nên thu nạp nó – có thể tương tự như chụp ảnh màn hình, đánh dấu một bài báo hoặc thậm chí ghi lại một đoạn hội thoại. Quá dễ!
Lúc này, bạn có thể nghĩ: “Đợi đã – Tôi đã làm việc này rồi. Và chắc chắn là tôi không cảm thấy mình có bộ não thứ hai! Vâng, có thể bạn đang mắc hai sai lầm cùng một lúc.
Thứ nhất, bạn đang thu nạp những thứ không cần thiết. Thường thì, chúng ta thu nạp mọi thứ, vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta nên thu nạp ngay cả khi chúng ta không cảm thấy bất kỳ liên hệ nào với chúng. Cuối cùng, chúng ta sẽ có quá nhiều thông tin không có nhiều giá trị đối với chúng ta. Hãy tìm cách chỉ thu nạp những thông tin khơi dậy được điều gì đó ở bên trong con người bạn. Có thể hữu ích khi nghĩ rằng những mẩu thông tin bạn muốn thu nạp là tài sản tri thức của bạn. Chúng không chỉ là sự kiện hay nhận xét. Chúng là giải pháp, tiết kiệm thời gian, khơi nguồn cảm hứng, thay đổi quan điểm.
Thứ hai, bạn không đưa những kiến thức đã thu nạp được vào một trung tâm. Có tất cả các loại công cụ kỹ thuật số cho phép bạn thu nạp tài sản tri thức. Ví dụ, bạn có thể đánh dấu trên sách điện tử, lưu dấu trên mạng xã hội, trích đoạn âm thanh từ podcast… danh sách này có thể kéo dài thêm. Song, những công cụ này không phải là toàn bộ câu chuyện. Xin coi những thứ bạn thu nạp được bằng những công cụ này như các đầu dây thần kinh. Tất cả đều quay ngược trở lại hệ thống thần kinh trung ương: bộ não thứ hai của bạn. Bất kỳ ghi chú kỹ thuật số tiêu chuẩn nào cũng nên theo thủ thuật này. Đặt tất cả các chế độ thu nạp của bạn trong chế độ xuất đi và tự động cập nhật, đưa những thứ bạn bạn đã lưu vào không gian kỹ thuật số trung tâm.
Vẫn cảm thấy choáng ngợp trước tất cả thông tin mà bạn thu nạp được? Xin làm theo hướng dẫn của nhà vật lý học từng đoạt giải Nobel, Richard Feynman, vốn nổi tiếng về tư duy sáng tạo. Feynman lập danh sách khoảng hơn chục câu hỏi cốt lõi mà ông muốn trả lời trong công trình nghiên cứu của mình. Mỗi khi gặp một thông tin mới, ông đều dùng những câu hỏi cốt lõi để kiểm tra. Sử dụng phương pháp này, ông thường tìm ra giải pháp ở những chỗ bất ngờ nhất! Thường xuyên có trong tay danh sách những câu hỏi cốt lõi sẽ giúp bạn chú ý vào những vấn đề đã thu thập được, ngay cả trong khi bạn xây dựng thư viện với những kiến thức khác nhau.
Bạn đã sẵn sàng tự mình thu nạp? Đây là bài tập bổ sung của bạn:
Bạn phải cảm thấy tính cấp thiết và hữu ích về tất cả thông tin mà mình thu nạp . Tiago Forte, người tạo ra hệ thống CODE, mỗi ngày chỉ thu nạp trung bình hai thông tin quý giá mà thôi. Vì vậy, hãy nghĩ về 24 giờ qua của bạn. Hai kiến thức quan trọng của bạn là gì? Thu nạp chúng ngay lập tức!